Cảm nhận bài thơ Quê Nghèo của Thanh Trắc Nguyễn Văn

Cảm nhận bài thơ Quê Nghèo của Thanh Trắc Nguyễn Văn



NHỮNG CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ " QUÊ NGHÈO" RÚT TRONG TẬP "NGHÊU NGAO CA" CỦA NHÀ THƠ THANH TRẮC NGUYỄN VĂN

Mỹ Hạnh đã nhận được tập thơ "Nghêu Ngao Ca" của anh Thanh Trắc Nguyễn Văn gửi tặng, thực sự rất xúc động khó diễn tả hết bằng lời, nói cám ơn thì nghe khách sáo, nhịp sống nhanh và hiện đại của thành phố đông dân và sôi động nhất nước, dường như hợp với những nhà doanh nghiệp hơn, nhưng thật bất ngờ Mỹ Hạnh lại gặp một hồn thơ trầm lắng sâu sắc với những trăn trở bộn bề và hoài cổ đến vậy, không thể nói hết về tập thơ của anh được, Mỹ Hạnh sẽ chỉ dám nói một chút về bài thơ mà Mỹ Hạnh đọc xong xúc động không cầm nổi nước mắt, đó là bài thơ "Quê Nghèo" của anh.

Có lẽ quê ở đâu cũng vậy đều nghèo, cái nghèo chung là thiếu thốn vật chất, còn tình cảm thì đẹp và đầy đặn lắm chứ.

"Một hôm gom nắng ta về
Gặp em ngồi xõa tóc thề dưới hiên
Tang bồng còn được chữ duyên
Trao em mừng thấy cười nghiêng má hồng"







Hình ảnh quê hương đẹp lung linh vì vẫn còn đó người em gái hiền dịu nết na với mái tóc dài như gió triền đê dong chơi với nắng, thơ anh Văn dung dị và thật tự nhiên, hình ảnh gợi cảm đẹp thuần khiết. Em gái quê với nụ cười bẽn lẽn thật vấn vương, nhưng sâu thẳm trong tâm trí tác giả là nỗi niềm thương nhớ cha mẹ vất vả vật lộn với cảnh nghèo để duy trì cuộc sống, chắt chiu nuôi con cái ăn học, hy vọng chúng sẽ được đổi đời.

"Một hôm gió lạnh bờ sông
Thương cha mòn mỏi gánh gồng hoàng hôn
Con tôm cái tép quá khôn
Vớt lên chỉ thấy mảnh hồn rong rêu"

Sự vất vả của cha đã chạm mức cùng cực "người khôn của khó" từ sáng sớm đến tối mịt mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Theo dòng cảm xúc hình ảnh người chị thủy chung son sắc, thật thà đến tội nghiệp khi cứ hy vọng theo một lời hứa vu vơ mà chờ đợi hết cả thời xuân sắc.

"Một hôm nghe tiếng quạ kêu
Nửa đêm thao thức chị khêu ngọn đèn
Người đi biền biệt nhớ quên
Thủy chung hóa lá rụng thềm cuối thu"

Một hình ảnh nhân cách hóa thật đẹp, tấm lòng son sắc thủy chung đã trở thành hình tượng tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trải qua bao thăng trầm bể dâu, đọc lên Mỹ Hạnh cảm thấy có một sự thông cảm mang đầy trắc ẩn và nhân văn của tác giả.



Quê Hương là gì? Có lẽ chỉ con trẻ mới hỏi câu đó, khi đã trưởng thành có lẽ không cần hỏi ai cũng biết... nhất là người nào phải sống xa quê, đó là cha, là mẹ, là tuổi thơ, là mái gianh đồng rạ, là gốc mía bờ ao... Nhưng hình bóng của mẹ luôn gợi nhiều cảm xúc nhất, lời ru của mẹ luôn mãi khắc sâu trong tim đứa con xa xứ.

"Một hôm nhớ giọng mẹ ru
Con quỳ khóc dưới dốc mù bụi xa
Bỏ quê quên mất mẹ già
Con đường gánh cải giờ là khói hương..."

Vâng, vì anh là thầy giáo nên trong thơ anh luôn có ý thức giáo dục, cho dù có đi đâu, có thành đạt làm ông này bà nọ mà quên mất gốc gác của mình, chê cha bỏ mẹ thì cũng là kẻ chẳng ra gì, và trước sau rồi cũng ân hận, nhưng lúc đó là quá muộn màng, hình ảnh " con quỳ khóc dưới dốc mù bụi xa" và " Con đường gánh cải giờ là khói hương" gây xúc động mạnh trong lòng người đoc, hy vọng sẽ lay động và thức tỉnh những đứa con lầm lỗi vô cảm.

Cám ơn anh Văn thật nhiều, đọc những bài thơ đậm chất nhân văn như vậy Mỹ Hạnh cảm thấy thêm yêu quê hương và hiểu sâu sắc về công lao trời bể của cha mẹ mình hơn.


Chúc anh ngày càng có nhiều bài thơ hay ý nghĩa.


Lương Mỹ Hạnh




-------------------------------------------------------



QUÊ  NGHÈO

Một hôm gom nắng ta về
Gặp em ngồi xõa tóc thề dưới hiên
Tang bồng còn được chút duyên
Trao em mừng thấy cười nghiêng má hồng.

Một hôm gió lạnh bờ sông
Thương cha mòn mỏi gánh gồng hoàng hôn
Con tôm cái tép quá khôn
Vớt lên chỉ thấy mảnh hồn rong rêu.

Một hôm nghe tiếng quạ kêu
Nửa đêm thao thức chị khêu ngọn đèn
Người đi biền biệt nhớ quên
Thủy chung hóa lá rụng thềm cuối thu.

Một hôm nhớ giọng mẹ ru
Con quỳ khóc dưới dốc mù bụi xa
Bỏ quê quên mất mẹ già
Con đường gánh cải giờ là khói hương…

2014
(Tập thơ Nghêu Ngao Ca - NXB Hội Nhà Văn 2018)

Thanh Trắc Nguyễn Văn




-------------------------------------------------------
Ghi chú: Ảnh Hồ Bích Trâm (ảnh 1 và 7 - áo dài vàng đàn nguyệt và ngôi nhà cổ), ảnh Hoa hậu Việt Nam 2008 Trần Thị Thùy Dung (ảnh 4 và 5 - áo dài xanh và ngôi nhà cổ)  và ảnh minh họa sưu tầm từ internet
READ MORE

SHARE