Lời tựa Tập thơ Nghêu Ngao Ca (2)
LỜI TỰA TẬP THƠ NGHÊU NGAO CA (2)
Nhưng có lẽ bài thơ làm cho những người đã sinh ra rồi lớn lên, hoặc đã từng sinh sống ở Sài Gòn xúc động nhất chính là bài thơ Khi người Sài Gòn yêu. Bài thơ là những đêm kí ức xưa của bọn sinh viên chúng tôi, tuy nghèo nhưng cực kì lãng mạn. Cái thời cả bọn cùng ngồi quay quần vòng tròn ngoài sân phòng trọ, đứa đệm ghi ta bập bùng, đứa hát theo những bản nhạc boléro buồn thật buồn:
"Người Sài Gòn biết yêu
Và biết hát
Áo lụa Hà Đông bay
Rợp mát mây trời
Chiều buông gió
Đêm về dừng quanh gác trọ
Rải ghi ta buồn
Đâu tầng tháp cổ tiếng mưa rơi?"
(Khi người Sài Gòn yêu)
Chủ đề chính thứ ba là những bài thơ ngắn, phần nhiều là thơ lục bát, ẩn chứa đầy cảm xúc. Có khi là một nỗi niềm thương cảm với một cô gái đẹp về thời gian và sự cô đơn:
"Tìm gì trên cát thế em
Phải chăng sợi tóc bạc mềm vừa rơi?
Hoàng hôn lặn hụp cuối trời
Nắng xuân còn nợ một lời yêu em..."
(Thời gian)
Một sự nuối tiếc đến nghẹn ngào khi nhớ về Mẹ đã mất:
"Tôi mua một bát canh riêu
Đem về dâng mẹ cuối chiều mưa bay
Mẹ tôi giờ khói hương gầy
Năm gian nhà trống hỏi ngày xưa đâu?"
(Nhớ Mẹ)
Có khi là những câu thơ tình ngọt ngào đến ngây ngất cả tâm hồn:
"Áo dài mỏng mảnh thế sao?
Mùa thu trinh nữ ngọt ngào da thơm
Gặp nhau cuối nẻo cô đơn
Mây xa
Trăng nhớ
Mưa rơm rớm chiều..."
(Thơ viết ở Hòn Rơm)
"Người đẹp xách giày đi qua bãi cát
Bỏ lại sau lưng muôn vạn ánh nhìn.
Biển yêu bờ
Biển thét gào khao khát.
Cát yêu người
Cát ngơ ngẩn lặng thinh."
(Người đẹp và cát)
Có khi là dùng cách chơi chữ tạo ra ít nhiều sự thú vị cho người đọc:
"Gặp em giữa phố Sài Gòn
Mới hay trái đất thật tròn không vuông
Giờ tìm chỉ thấy trăng suông
Trách sao quả đất quá vuông không tròn!"
(Gặp và xa)
Và còn nhiều bài thơ ngắn nữa rất hay mà ở đây, do giới hạn của bài viết, tôi không thể kể ra hết được: Thiếu nữ thổi sáo, Trường xưa, Nhớ bạn cũ, Mưa trăng, Thu duyên, Khúc hát tương tư, Lỡ...
Chủ đề chính thứ tư là những bài thơ mang tính thời sự cao. Có những câu thơ đơn giản mà sao nghe cứ chạnh lòng, vì dù đã cố gắng bao nhiêu năm rồi mà đất nước vẫn còn đó những làng quê nghèo:
"Con trâu vẫn kiếp kéo bừa
Cọng rơm nhai mãi bốn mùa vẫn rơm!
Lang thang vẫn gặp thằng Bờm
Nắm xôi khô đét, xin cơm đầu đình..."
(Về quê)
"Một hôm nhớ giọng mẹ ru
Con quỳ khóc dưới dốc mù bụi xa
Bỏ quê quên mất mẹ già
Con đường gánh cải giờ là khói hương…"
(Quê nghèo)
Những câu thơ nhức nhối về những nỗi đau thực tại của xã hội:
"Nói về nỗi đau của nàng Mỵ Châu
Nói về giọt lệ của cô Thúy Kiều
Đời sẽ vui nhiều hơn nếu không có những chàng Trọng Thủy
Đời sẽ buồn ít hơn nếu không có những gã Sở Khanh"
(Quán cà phê Mùa Xuân)
Những câu thơ viết về các cô gái đã được nhiều giải thưởng uy tín trong nước bình chọn là Người Đẹp, nhưng không hiểu sao vẫn cứ vô tình hay cố ý, luôn tự dính vào những scandal đầy tai tiếng khiến cái đẹp ngày càng bị rớt giá thảm hại:
"Hãy yêu Người Đẹp
Để Người Đẹp được đẹp hơn
Và hãy tránh xa những Con Người Đẹp
Nhưng tâm hồn không bao giờ biết đẹp!"
(Người Đẹp)
Viết về sự tàn phá môi trường thiên nhiên, kinh khủng đến độ len lỏi vào cả giấc mơ của trẻ thơ:
"Trong giấc mơ của em tôi
Có đàn thú hoang chạy ùa vào thành phố hú gào kêu cứu
Có đàn chim non nhớn nhác bay trốn từng phát súng hủy diệt
Có những khu rừng đổ máu
Có những thân cây cổ thụ bị cưa, bị xẻ nằm rên la hấp hối
Em hoảng sợ òa khóc
Nước mắt ướt đẫm cả giấc mơ."
(Giấc mơ em tôi)
Viết về sự xuống dốc thảm hại của thơ ca khi phải cạnh tranh khốc liệt với những kênh giải trí khác:
"Gánh thơ rao phố đông người
Giai nhân, người mẫu xúm cười… Không mua!
Gánh thơ rao trước cổng chùa
Sư ông thương tặng lá bùa bình an!"
(Thơ ế)
Bi hài nhất là ở khổ thơ cuối, Thanh Trắc Nguyễn Văn dự định bắt chước nhà thơ Tản Đà toan gánh thơ lên trời bán. Tiếc thay, thời thế đã thay đổi!
"Gánh thơ lên cõi trăng sao
Thiên Lôi chận hét: “Thằng nào bán thơ?”."
Xuyên suốt tập thơ Nghêu Ngao Ca, Thanh Trắc Nguyễn Văn tỏ ra rất trân trọng thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc. Những câu thơ lục bát của anh ngày càng được biến hóa rất nhiều về nội dung lẫn hình thức. Sự cố gắng tìm tòi, sáng tạo của anh đã khiến thể thơ lục bát trong tập thơ càng phong phú thêm về cách diễn đạt:
"Ôm buồn, buồn lại vỡ đôi
Nửa quay quắt nhớ, nửa bồi hồi mơ
Chưa yêu chưa biết dại khờ
Yêu em để biết đợi chờ em yêu!"
"Nhởn nhơ qua những cuộc tình
Gặp em mới biết là mình cô đơn
Cầm tay nắm phải dỗi hờn
Em đi
Níu vội
Một cơn gió buồn…"
(Chùm thơ tình Nha Trang)
"Kìa em khuất cuối con đường
Nhìn trăng…
Có bóng ai buồn trên trăng?"
(Trăng trên đảo Bình Ba)
"Lỡ quen
Tím nhớ
Tím chờ.
Lỡ yêu
Tím hết dại khờ trăm năm…"
(Lỡ...)
"Bến xưa vẫn lở vẫn bồi
Yêu người bến lở để rồi lỡ xa!"
(Về quê)
"Ta ơn em
Áo dài vàng
Kìa trời hạ nắng bàng hoàng sang thu
Tìm ai vàng bến tương tư
Qua sông Vàm Cỏ bỗng mù mịt mưa..."
(Khúc hát tương tư)
"Đầu tiên
Hẹn với trăng sao
Người không thấy đến...
Cổ cao thành cò!
Đầu tiên
Thả một câu hò
Nàng nghe hơn nửa....
Giả đò không nghe!"
(Lời tỏ tình đầu tiên)
Táo bạo nhất chính là Thanh Trắc Nguyễn Văn đã dùng thơ lục bát để tặng một người bạn là nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh. Theo lời Thanh Trắc Nguyễn Văn kể lại, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh đã phổ nhạc cho nhiều bài thơ của nhà thơ nữ Dung Thị Vân, là bạn thân của hai người. Một lần tại nhà riêng của Dung Thị Vân, Nguyễn Tuấn Khanh vừa tự đệm đàn ghi ta vừa hát tặng cho mọi người nghe bản nhạc Ru em vào xuân, một sáng tác mới của anh. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã thử dùng nhịp điệu thơ và cảm xúc của mình để tái tạo lại giai điệu nhạc thành những dòng thơ lục bát:
"Ru em đêm khúc tình nồng
Nhạc rơi lúng liếng giữa dòng cô đơn
Xa nhau nước mắt vuông tròn
Tháng năm chai sạn vẫn còn thơ ngây.
Ru em nửa khúc tỉnh say
Nửa ngây ngất
Nửa đắng cay ngọt bùi
Tấu lên từng khúc nhạc vui
Nửa dây trầm bổng tiếng cười chông chênh.
Ru em
Đêm đã tàn đêm
Mai vàng lấp lánh bên thềm...
Nắng xuân!"
Cũng là một người rất yêu thơ lục bát, gấp tập thơ Nghêu Ngao Ca lại, tôi vẫn còn rất ấn tượng với những câu thơ lục bát mang đậm âm hưởng ca dao:
"Khói bay bay trắng cánh đồng
Đâu chiều tan học gió bồng bềnh mây?
Tóc em vướng cọng rơm gầy
Ta thành gốc rạ từ ngày em đi…"
(Về Củ Chi)
"Một hôm nghe tiếng quạ kêu
Nửa đêm thao thức chị khêu ngọn đèn
Người đi biền biệt nhớ quên
Thủy chung hóa lá rụng thềm cuối thu."
(Quê nghèo)
"Đi tìm vấp phải câu thơ
Câu ca cổ tích đến giờ chưa tan
Người xưa khóc với trăng vàng
Còn ta lệ ứa khóc chàng Trương Chi…"
(Đi tìm câu hát Trương Chi)
Trước khi dừng bút tôi xin được dùng bốn câu thơ cũng lục bát, đầy khí phách của một con người hiên ngang trước ranh giới giữa cái sống và cái chết để làm đoạn kết của bài viết :
"Nghêu ngao ngồi trước bình minh
Câu thơ ném giữa tử sinh mà cười
Cuội xưa nói dối lên trời
Thương ta viết thật mãi đời trần gian…"
(Nghêu ngao ca)
Thanh Hải
-------------------------------------------------------------------------
PHẦN 1 PHẦN 2
Ghi chú: Ảnh của Vũ Ngọc Kim Chi (ảnh 1 và ảnh 18 - áo hai dây), Photo: Đỗ Minh Ngọc (ảnh 10 - áo đầm trắng ngồi nhắm mắt), ảnh Vũ Thanh Huyền (ảnh ảnh 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, 13, 14,15, 16 và 17 - áo dài hồng, áo bà ba trắng và hoa sen) và ảnh minh họa sưu tầm từ internet